“Việc các anh nam giới làm được, chị em cũng làm được”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Nhân viên vận hành Băng tải B106, Nhà máy Nguyên liệu. Nếu như trước đây, khi nói đến công việc vận hành máy móc, thiết bị công nghiệp chỉ dành cho các anh “đấng mày râu”, thì hiện tại, ở Nhà máy Nguyên liệu nhiều chị em đã được giao phó nhiệm vụ vận hành Băng tải cung cấp nguyên liệu cho nhà máy; vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, các chị đã từng bước làm chủ được dây chuyền công nghệ và khẳng định câu nói ấy là đúng sự thật.
Những “bông hồng” đảm nhiệm công việc vận hành Băng tải tại Nhà máy Nguyên liệu
Với ưu thế là sự tỉ mỉ, cẩn trọng và chịu khó, chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đã được giao phó đảm nhiệm vị trí vận hành Băng tải tại Phân xưởng Bãi liệu – Nhà máy Nguyên liệu, trải qua gần 3 năm công tác tại Công ty, chị Hạnh đã có thể đứng độc lập vận hành, từ nhập silo, chọt phễu, vệ sinh băng tải…chị đều thực hiện thuần thục và xử lý đúng yêu cầu công việc, chị tự tin nói: “Trước đây mình chưa bao giờ tưởng tượng có một ngày mình có thể vận hành một chiếc máy hiện đại hàng đầu thế giới, ban đầu, mình khá lo lắng do những kiến thức về máy móc vừa khô khan, vừa khó, nhưng dần dần khi đã bắt nhịp với công việc, mình thấy rất thích thú và càng muốn học hỏi nhiều hơn. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ, hướng dẫn, động viên tận tình từ Ban lãnh đạo và anh chị em trong phân xưởng, mình đã tự tin vận hành các thiết bị hoạt động hiệu quả”.
Là một nhân viên vận hành Băng tải, tham gia vận hành trực tiếp tại Phân xưởng Bãi liệu, đối với các anh nam giới đây là một công việc nặng nhọc và khói bụi, thì đối với những chị em phụ nữ như chị Nguyễn Thị Hải – Nhân viên vận hành Băng tải, tổ Phối trộn liệu dường như vất vả gấp bội phần, vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị Hải luôn phải tìm tòi, đúc rút từ thực tế và học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp nam có tay nghề cao trong Phân xưởng. Trong quá trình vận hành, máy móc bị trục trặc, hư hỏng là điều không tránh khỏi, đặc biệt khi sửa chữa, chị Hải luôn chú ý tìm hiểu những khiếm khuyết của thiết bị, từ đó có những sáng kiến để hợp lý hóa quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc: “Mình vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên trong ca trực của mình bị sự cố rách băng tải. Lúc đó, còi, đèn, chuông sáng rực, inh ỏi reo báo hiệu, mình sợ điếng cả người, phải mất một lát sau mới trấn tĩnh lại, khi ấy mình cứ bám dính lấy anh trực chính ca hôm đấy để trấn an và bình tĩnh, giờ thì đã quen rồi, thao tác, quy trình xử lý mình thuộc như “lòng bàn tay”, chị Hải vui vẻ bật cười.
Chị Nguyễn Thị Hải – Nhân viên vận hành Băng tải đang thực hiện công việc theo lịch đã được phân công
Vất vả trong công việc là thế, nhưng khi được hỏi về lý do tại sao lại chọn công việc này, chị Phạm Thị Báu bộc bạch nói: “Mặc dù có khó khăn, vất vả nhưng khi gắn bó lâu dài với công việc, chị có tình yêu với nó lúc nào không hay và chẳng muốn thay đổi”. Gia nhập Công ty từ những ngày đầu Công ty mới thành lập và trải qua những buồn, vui và đạt được những thành công nhất định trong công việc và đối với chị Báu, Thép Hòa Phát Dung Quất như là ngôi nhà thứ 2 của mình: “Gắn bó lâu dài rồi thành quen, chỉ có những ai đam mê, dành tình yêu với nghề thì mới có thể theo đuổi và gắn bó với nó được. Chị đã quen rồi với các công việc xử lý khi thiết bị gặp sự cố hay vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ…, giờ đây, đối với chị Nhà máy Nguyên liệu như là gia đình thứ 2 trên quê hương Quảng Ngãi cùng những người đồng nghiệp thân thương và với cả tình yêu cùng chiếc băng tải”, chị Báu dịu dàng nói.
Là người luôn theo sát và quan tâm đến công việc của chị em Nhà máy Nguyên liệu, Anh Mai Văn Bắc – Giám đốc Nhà máy Nguyên liệu, chia sẻ: “Với đặc thù và tính chất công việc khá đặc biệt và hầu như phải trực tiếp vận hành dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Nhưng chính những sự khó khăn và đặc thù công việc ấy, chị em tại vị trí nhân viên vận hành Băng tải không nản chí và bỏ bê công việc, thay vào đó họ luôn tìm tòi, học hỏi và cố gắng nhiều hơn để thích nghi, làm chủ được cách vận hành máy móc thiết bị và hoàn thành tốt công việc được giao. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo nhà máy thường xuyên quan tâm đến yếu tố tinh thần, động viên, chia sẻ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị em Nhà máy phát triển, phải làm sao đó có thể hoàn thành tốt hai nhiệm vụ, vừa hoàn thành chỉ tiêu công việc, vừa là hậu phương vững chắc cho gia đình”.
“Đồng thời, chính những ưu điểm cần cù, tỉ mỉ và thận trọng trong công việc, sự góp mặt của nhân viên nữ tại vị trí vận hành Băng tải đã và đang vận hành trơn tru một trong những khâu quan trọng của Nhà máy”, anh Bắc nói thêm.
Chị em Nhà máy Nguyên liệu luôn thường xuyên tổ các buổi sinh hoạt phụ nữ để chia sẻ và hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống
Luôn giữ được tác phong và sự chỉn chu trong công việc theo đúng nội quy, quy định Công ty. Song, ở ngoài môi trường đầy tính kỷ luật ấy, khi trở về gia đình, họ là người phụ nữ “chân yếu tay mềm”, người vợ và người mẹ chu toàn công việc trong ngôi nhà nhỏ. Họ đã chứng minh được rằng “những việc các anh làm được, thì chị em cũng làm được” như những gì họ đã khẳng định. Và những “bông hồng” ấy đang từng ngày cống hiến cho sự phát triển của Thép Hòa Phát Dung Quất.
Xuân Danh